Cùng chúng tôi trên:

THỪA KẾ NHÀ Ở CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ TẠI NƯỚC NGOÀI.

Written by  Friday, 28 March 2014 04:33

 Kinh tế và xã hội trong những năm gần đây đã có những biến chuyển mới, Việt Nam cũng ngày một vươn ra với môi trường thế giới, cùng với sự phát triển và hội nhập ấy, chúng ta cũng chứng kiến sự thay đổi của hàng loạt các chế định Luật tại Việt Nam. Một trong những thay đổi mang tính chất “mở cửa” hiện nay chính là việc pháp luật đã thừa nhận một số trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, họ có các quyền với nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất bao gồm: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong bài này, chúng tôi sẽ đề cập đến một trong những quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là quyền hưởng thừa kế đối với nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất.

1/ Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở thừa kế:

Căn cứ Điều 1 Luật số 34/2009/QH12:

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu mộtnhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

Vậy người Việt Nam định cư ở nước ngoài đáp ứng một trong các điều kiện trên sẽ thỏa mãn được “điều kiện cần” phát sinh quyền sở hữu nhà ở thừa kế tại Việt Nam.

Với “điều kiện đủ”, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phát sinh quyền thừa kế nhà ở tại Việt Nam bắt đầu từ thời điểm mở thừa kế (người để lại di sản mất) và thuộc một trong hai trường hợp sau:

- Người chủ sở hữu lập di chúc hợp pháp để lại di sản là nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Người để lại di sản chết không lập di chúc hoặc di chúc không hợp pháp và người Việt Nam định cư tại nước ngoài thuộc hàng thừa kế thứ nhất ( Điều 675, Điều 676 BLDS 2005)

Lúc này, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể trực tiếp về Việt Nam hoặc ủy quyền cho một người tại Việt Nam để thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế và chuyển quyền sở hữu căn nhà. (Giấy ủy quyền bạn cần phải có những nội dung sau để đảm bảo tính pháp lý của nó: thông tin người ủy quyền, người nhận ủy quyền, căn cứ, nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền và phải được chứng thực bởi cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước bạn đang cư trú).

*  Thủ tục thực hiện như sau:

 Về hồ sơ thừa kế nhà ở bao gồm:

- Một trong các giấy tờ thừa kế nhà ở như: di chúc hợp pháp, Biên bản phân chia di sản thừa kế, Bản án của toà án, bản khai di sản thừa kế có công chứng Nhà nước);

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của người chết

- Bản sao Giấy khai sinh của người thừa kế nếu là con của người chết hoặc bản sao Giấy đăng ký kết hôn nếu người nhận thừa kế là vợ (chồng) của người chết làm cơ sở để miễn nộp nghĩa vụ tài chính.

- Giấy chứng tử;

- Bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).

Đối với người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có thêm giấy tờ như Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

Về trình tự, thủ tục thừa kế nhà ở

- Bước 1: Bên thừa kế nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức)..

- Bước 2: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);

- Bước 3: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế (nếu chủ nhà không thuộc diện phải nộp hoặc được miễn nộp nghĩa vụ tài chính thì không có bước này).

- Bước 4: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

2/ Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được sở hữu nhà ở thừa kế:

Nếu họ không thuộc những trường hợp nêu trên, căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 2, Luật số 34/2009/QH12: “Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở”. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, nhưng được chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế ( Điều 13 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP). Thủ tục sẽ thực hiện như sau:

a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng thực hiện theo quy định tại Điều 148 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại khoản 6 Điều 113 của Luật Đất đai và khoản 2 Điều 126 của Luật Nhà ở; trình tự, thủ tục tặng cho thực hiện theo quy định tại Điều 152 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để cập nhật vào sổ địa chính và theo dõi.

Trường hợp họ nếu chưa chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế thì được ủy quyền (bằng văn bản) cho người khác trông nom hoặc tạm sử dụng đất. Người trông nom, tạm sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

LDL hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích được cho bạn đọc. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi hoặc gọi đến tổng đài 1900.599.929 để được trao đổi cụ thể và tư vấn.

Trân trọng kính chào!

Nguyễn Thị Lệ Thu

Công Ty Luật TNHH LDL

Tổng đài tư vấn: 1900.599.929

Website:http://www.luatsuonline.com.vn

Website:http://www.lld.com.vn

Email:This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

 

Rate this item
(0 votes)
Read 5616 times Last modified on Sunday, 28 June 2015 09:56

Chúng tôi trên FaceBook

Xem nhiều nhất

Luật sư doanh nghiệp

Công ty Luật LDL với một đội ngũ luật sư trẻ, năng động, nhiệt tình, có trình độ chuyên môn cao, c

TƯ VẤN, THỰC HIỆN CÁC DỊCH VỤ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN QUAN HỆ PHÁP LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Đồng hành với các dịch vụ  tư vấn pháp lý khác, Công ty Luật TNHH LDL hân hạnh cung cấp dịch vụ pháp

Tư vấn mua bán, sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp

Đội ngũ luật sư về mua bán, sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp của chúng tôi có bề dày kinh nghiệm tư

Tư vấn pháp lý về lao động

Công ty Luật LDL cung cấp các dịch vụ và tư vấn pháp lý về lao động: Hợp đồng lao động, Nội quy lao

You are here:   Home